Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015

Cá voi 40 tấn bổ nhào xuống hai người bơi thuyền

"Giống như một trận lở tuyết, một chiếc xe buýt đang rơi vào chúng tôi", Charlotte Kinloch, du khách người Anh, kể lại khoảnh khắc cá voi làm lật thuyền ở Mỹ.
ca1-6859-1442370002.jpg
Khoảnh khắc con cá voi khổng lồ bật khỏi mặt nước rồi bổ nhào vào thuyền của hai du khách Anh. Ảnh: Telegraph.
Hai du khách người Anh thoát chết trong gang tấc khi một con cá voi lưng gù nặng 40 tấn bật lên khỏi mặt nước và bổ nhào xuống thuyền kayak của họ sáng 12/9.
Tom Mustill và Charlotte Kinloch đang chèo thuyền trở về bờ sau khi đi ngắm cá voi trên vịnh Monterey, bang California, thì một con cá khổng lồ bất ngờ nhảy lên, hất họ khỏi thuyền rồi nhấn chìm họ, Telegraph hôm qua đưa tin. Các nhân chứng sợ điều tồi tệ nhất xảy ra khi không thấy hai người này đâu.
Theo TelegraphMustill và Kinloch không bị thương mà thuyền kayak của họ chỉ móp một chút. Sự việc được một du khách ngồi trên con thuyền khác ghi lại. Video thu hút hơn 500.000 người xem sau khi xuất hiện trên Youtube.
Kinloch, nhân viên kế toán 30 tuổi, miêu tả khoảnh khắc cá voi rơi xuống rất "đáng sợ", giống như một tòa nhà đang đổ vào người họ.
"Giống như một trận lở tuyết, một chiếc xe buýt đang rơi vào chúng tôi", Kinloch nói.
Kinloch cho rằng cô và Mustill may mắn sống sót vì đều mặc áo phao.
Mustill, 31 tuổi, là nhà làm phim về cuộc sống hoang dã nên đã quen với việc tiếp xúc với động vật. Tuy nhiên, anh vẫn cảm thấy khó tin khi mình vẫn còn sống.
"Tôi nhớ lúc nhô lên khỏi mặt nước và nghĩ 'mình vẫn còn sống sao'. Tôi có thể bị nhiều vết thương nhưng do sốc nên không cảm thấy gì. Sau đó, tôi trông thấy Charlotte và tự nhẩm 'cô ấy cũng chưa chết'", Mustill nhớ lại.
Mustill và Kinloch sống ở London. Cả hai đang đi nghỉ cùng bạn bè ở California, Mỹ. 
Sean Furey, hướng dẫn viên công ty Monterey Bay Kayak, là người đưa Mustill và Kinloch ra biển. Furey cho biết việc cá voi làm lật thuyềnkayak là điều "chưa từng nghe tới". Hướng dẫn viên cho hay hiện công ty đã đình chỉ các tour tham quan do một lượng lớn bất thường cá voi xuất hiện vào mùa này, khiến việc duy trì khoảng cách gần 100 m với chúng trở nên khó khăn. 
Michael Sack, người điều khiển con thuyền nơi video quay được cảnh tượng hy hữu, tỏ ra kinh ngạc khi thấy đôi nam, nữ không bị thương.
"Đó là một trong những tình huống nguy hiểm nhất tôi từng trông thấy ở đây. Tôi không chắc hai người ấy có biết họ may mắn như thế nào", thuyền trưởng Michael Sack nói.

Arab Saudi đình chỉ công ty nhà trùm khủng bố bin Laden

Arab Saudi tuyên bố công ty xây dựng Saudi Binladin Group không được nhận thêm bất cứ dự án nào trong tương lai, sau khi một cần trục đổ sập xuống thánh đường Mecca làm 107 người chết. 
can-truc-8983-1442389288.jpg
Cần trục đổ sập vào thánh đường Hồi giáo ở Mecca, Arab Saudi. Ảnh: AP
Theo Aljazeera, thông cáo của chính phủ hôm qua cho biết tập đoàn Saudi Binladin Group bị dừng hoạt động cho tới khi việc thanh tra mọi công tác của họ hoàn tất. Tất cả thành viên gia đình tập đoàn đều bị cấm xuất ngoại, chờ kết quả điều tra. 
Tập đoàn Saudi Binladin Group là một trong những công ty xây dựng lớn nhất khu vực, với những hợp đồng trên khắp Arab Saudi. Đây là công ty của gia đình trùm khủng bố Osama bin Laden. 
Điều tra ban đầu gợi ý cần trục gặp "vấn đề về thăng bằng" và thời tiết xấu, việc vi phạm tiêu chuẩn an toàn cũng là yếu tố dẫn đến thảm kịch làm ít nhất 107 người chết và hàng trăm người bị thương tại khu vực linh thiêng nhất của người Hồi giáo.
Theo Al Arabiya, Tòa án Hoàng gia Saudi quyết định bồi thường khoảng 270.000 USD cho gia đình mỗi nạn nhân thiệt mạng và cho những người bị thương dẫn đến tàn tật suốt đời. Mỗi người bị thương được bồi thường khoảng 135.000 USD.
Tai nạn xảy ra trước khi lễ hành hương Haji bắt đầu. Hajj, một trong những sự kiện tụ tập tôn giáo lớn nhất thế giới, trước đây cũng từng trải qua thảm họa, chủ yếu là các vụ giẫm đạp khi người hành hương cố nhanh chóng hoàn tất nghi lễ và về nhà. Hàng trăm người hành hương đã thiệt mạng trong vụ giẫm đạp năm 2006. 
Chính quyền Arab Saudi kể từ đó đã mạnh tay chi tiền để mở rộng khu vực hành hương và cải thiện hệ thống giao thông của Mecca nhằm ngăn thảm họa xảy ra. 

Australia lần đầu không kích IS ở Syria

Chiến đấu cơ Australia mở rộng không kích Nhà nước Hồi giáo sang Syria và tiêu diệt một xe bọc thép chở quân của tổ chức khủng bố này.
This photo taken on September 11, 2015 and released by the Royal Australian Air Force shows F/A-18A Hornets from Australia's Air Task Group flying in formation after refueling during the first mission of Operation OKRA to be flown over Syria (AFP Photo/Sgt Pete )
Hai chiến đấu cơ F/A-18A Hornet của Australia tham gia nhiệm vụ đầu tiên ở Syria hôm 11/9. Ảnh: AFP.
"Đây là phần mở rộng hợp lý trong cuộc chiến chống Daesh. Australia hoạt động không chỉ ở miền bắc Iraq mà còn mở rộng sang miền đông Syria nhằm làm suy yếu và tiêu diệt Daesh", AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Australia Kevin Andrews hôm qua nói. Daesh là tên tiếng Arab của Nhà nước Hồi giáo (IS).
Chiến đấu cơ F/A-18A Hornet thuộc Không quân Hoàng gia Australia hôm 14/9 tiêu diệt một xe bọc thép chở quân của IS bằng tên lửa dẫn đường.
"Hai chiếc Hornet phát hiện xe chở quân giấu trong một tòa nhà Daesh", ông Andrews cho biết. "Thông tin được chuyển về trung tâm tác chiến phối hợp từ máy bay chỉ huy và kiểm soát Wedgetail. Sau khi nhận lệnh, một chiếc Hornet sử dụng vũ khí dẫn đường chính xác tiêu diệt mục tiêu".
Mỹ, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia Vùng Vịnh đã tham gia không kích IS ở Syria. Pháp chỉ mới triển khai bay trinh sát để chuẩn bị không kích.
Australia gia nhập liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu tấn công IS ở Iraq từ năm ngoái. Canberra tuần trước thông báo mở rộng chiến dịch sang Syria với cơ sở pháp lý là phòng vệ tâp thể cùng Iraq chống nhóm phiến quân. Phi cơ Australia kết thúc chiến dịch đầu tiên tại Syria hôm 11/9 nhưng không tấn công mục tiêu nào.

Chiếc xe biểu tượng mới cho sức mạnh Mỹ trên chiến trường

Có lớp giáp như xe tăng hạng nhẹ, lại di chuyển rất linh hoạt trên địa hình hiểm trở, xe JLTV sẽ dần thay thế biểu tượng Humvee của Mỹ trên chiến trường.
JLTV-1.jpg
Đồ họa xe JLTV của Tập đoàn Oshkosh. Ảnh: Oshkosh Defense
Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 25/8 chỉ định Tập đoàn Oshkosh trở thành nhà thầu sản xuất 17.000 xe chiến thuật hỗn hợp hạng nhẹ (JLTV) với trị giá hợp đồng lên tới 6,75 tỷ USD.
Sở hữu tính năng chống đạn, chống mìn cũng như tính cơ động trên địa hình hiểm trở, xe JLTV dự kiến sẽ dần thay thế dàn xe quân sự Humvee 140.000 chiếc mà lục quân và thủy quân lục chiến Mỹ đang sử dụng.
Xe tăng hạng nhẹ kết hợp cỗ máy tốc độ
Theo Fox News, Bộ Quốc phòng Mỹ chọn mẫu xe JLTV của nhà thầu Oshkosh bởi những tính năng vượt trội của nó so với hai loại xe quân sự phổ biến hiện nay thuộc quân đội Mỹ là Humvee và xe quân sự bọc thép chống mìn (MRAP).
Chuyên gia đánh giá xe JLTV của Oshkosh kết hợp hoàn hảo tính năng chống đạn của xe tăng hạng nhẹ và tính năng cơ động trên địa hình gập ghềnh của một chiếc xe đua chuyên nghiệp.
Với trọng tải tối đa 7 tấn, JLTV có kích cỡ lớn hơn xe Humvee 3,5 tấn, nhỏ hơn xe MRAP với trọng tải từ 14 -18 tấn và có thể dễ dàng vận chuyển bằng trực thăng quân sự. JLTV sẽ có hai biến thể gồm xe chiến đấu chở 4 người và xe hỗ trợ chiến đấu chở hai người.
JLTV rất cơ động trên các địa hình không bằng phẳng, có thể đạt đến vận tốc 160 km/h. Tốc độ tối đa của xe Humvee và xe MRAP chỉ đạt lần lượt là 120 km/h và 104 km/h.
Theo ông John Bryant, phó chủ nhiệm chương trình quốc phòng của Tập đoàn Oshkosh, JLTV sở hữu tính năng chống đạn tương tự một xe tăng hạng nhẹ vì nó có lớp thép bọc ngoài thân. Bryant ví lớp bọc thép và hệ thống bảo vệ Core 1080 của JLTV giống với lớp bảo vệ của một chiếc xe đua, cho phép người điều khiển bước ra an toàn dù xe bị hư hỏng nghiêm trọng bên ngoài do gặp nạn.
Ông cho biết các chuyên gia và kỹ sư của Oshkosh còn tập trung vào tính năng bảo vệ xe trước cả bom mìn cài ven đường. Không giống Humvee, các bộ phận bọc thép phủ bên ngoài của JLTV được chế tạo để chúng dễ bong ra thành từng mảnh khi trúng mìn, vì thế lực nổ sẽ bị phân tán khỏi buồng lái, giúp làm giảm năng lượng nổ sát thương.
"Các mảnh của xe chắc chắn sẽ bắn tung ra nếu nó trúng mìn. Bạn sẽ thấy nhiều bộ phận xe bị phá hủy ở mức độ nặng nhưng buồng lái cùng hàng hóa quý giá bên trong vẫn không hề hấn gì và tổ lái sẽ sống sót", Bryant nói.
Trong khi các chi tiết kỹ thuật của xe vẫn được giữ bí mật, Bryant cho hay JLTV được thiết kế dành cho tương lai. Nó sẵn sàng được điều chỉnh để thích nghi với các nhu cầu thay đổi của quân đội ở từng thời điểm.
JLTV nhiều khả năng sẽ được trang bị một tháp pháo bắn thủ công hay hệ thống vũ khí điều khiển từ xa. Ngoài ra, xe cũng có ống phóng hỏa tiễn. JLTV còn cung cấp cho người vận hành các thiết bị tác chiến điện tử cũng như công nghệ giám sát tình hình chiến trận với tính năng theo dõi tầm xa, phát hiện hỏa lực địch.
Để tăng cường tối đa khả năng bảo vệ, cửa sổ của JLTV có kích thước nhỏ và chống đạn, đồng thời một tấm chắn lớn phía trước sẽ giúp động cơ diesel 6,6 lít của xe luôn an toàn.
JLTV-2-3532-1441620995.jpg
Xe JLTV có thể di chuyển linh loạt trên địa hình gập ghềnh. Ảnh: Oshkosh Defense
Biểu tượng Humvee sắp bị thay thế
Trong ba thập kỷ qua, những chiếc xe Humvee của lục quân và thủy quân lục chiến Mỹ đã trở thành biểu tượng sức mạnh của quân đội nước này tại bất kỳ mặt trận nào.
Sản xuất lần đầu vào năm 1985 bởi Tập đoàn AM General, xe quân sự Humvee giúp vận chuyển hàng trăm nghìn lính Mỹ hoạt động trên chiến trường. Cũng giống những chiếc xe Jeep từng đi vào huyền thoại, Humvee truyền cảm hứng để hãng General Motors cho ra đời xe Hummer, phục vụ những khách hàng hâm mộ dòng xe có động cơ mạnh mẽ và vẻ ngoài hầm hố này.
Quân đội Mỹ đưa vào sử dụng xe Humvee tại thời điểm các thiết bị nổ cải tiến (IED) và thiết bị nổ chống xe khác chưa phải là yếu tố quan trọng trong chiến lược quân sự của Washington. Tuy nhiên, đến giai đoạn cao điểm của cuộc chiến tranh Iraq, những  vụ tấn công phục kích và gài bom ven đường nhằm vào xe Humvee đã gây không ít thương vong cho binh sĩ Mỹ. Năm 2007, IED là sát thủ số một đối với lính Mỹ tại Iraq. Chúng xé toạc gầm xe mỏng manh của Humvee và hất tung chúng lên trời.
Tình thế này buộc Mỹ phải chi 50 tỷ USD để đặt mua một lúc 27.000 xe MRAP vào năm 2007. Song, MRAP lại vướng phải nhược điểm là quá nặng nề, khiến khả năng di chuyển linh hoạt trên các địa hình gồ ghề bị hạn chế.
Vì thế, Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2008 đề xuất chương trình nghiên cứu và phát triển xe chiến thuật hỗn hợp hạng nhẹ JLTV với yêu cầu kết hợp được tính năng chống bom mìn của xe MRAP với tính năng di chuyển linh hoạt trên mọi địa hình của xe Humvee.
Bộ Quốc phòng Mỹ 4 năm sau chính thức chọn ba nhà thầu Oshkosh, AM General và Lockheed Martin tham gia giai đoạn thiết kế, thử nghiệm JLTV. Mỗi nhà thầu phải cung cấp 22 mẫu xe để Bộ Quốc phòng dùng thử trong thời gian 14 tháng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Kết quả là bản hợp đồng sản xuất 17.000 chiếc JLTV trị giá 6,75 tỷ USD thuộc về Tập đoàn Oshkosh.
Từ nay đến năm 2040, quân đội Mỹ lên kế hoạch mua khoảng 55.000 xe JLTV để thay thế cho dàn xe quân sự Humvee đã cũ kỹ và không còn thích hợp với điều kiện tác chiến hiện đại. Nếu các tính năng của JLTV được đảm bảo qua quá trình sử dụng thực tiễn, nhà thầu Oshkosh sẽ tiếp tục ký các hợp đồng sản xuất hàng loạt xe JLTV với tổng trị giá lên đến 30 tỷ USD.
JLTV-3.jpg
Xe JLTV có khả năng đạt tốc độ tối đa 160 km/h trên địa hình gồ ghề. Ảnh:Oshkosh Defense

Cuộc sống trên tàu sân bay chống IS của Mỹ

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, với khả năng mang theo gần 100 chiến đấu cơ cùng hơn 5.000 binh sĩ, đóng vai trò như một căn cứ trên biển hỗ trợ đắc lực cho hoạt động tấn công nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria.
USS Theodore Roosevelt được coi là tàu sân bay hiện đại nhất đồng thời là biểu tượng sức mạnh của quân đội Mỹ. Tàu có chiều dài hơn 320m. Boong tàu, rộng khoảng 18.000 m2, là nơi cất cánh của hơn 60 máy bay chiến đấu. Vận tốc của tàu đạt tới 64,8 km/h. Tàu có khả năng mang theo 90 phi cơ các loại và hơn 5.000 binh sĩ.
 
USS Theodore Roosevelt trị giá khoảng 4,5 tỷ USD, được đưa vào sử dụng từ ngày 25/10/1986. Hiện nó đảm nhận vai trò như một căn cứ để triển khai các hoạt động tấn công nhằm vào nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria.
Trong ảnh, viên phi công đang lau chùi kính chắn gió của một chiến đấu cơ thuộc biên chế lực lượng hải quân Mỹ đậu trên boong tàu Theodore Roosevelt hoạt động ở Vịnh Ba Tư.
 
Bên trong hòn đảo di động khổng lồ này chứa đầy đủ các cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ sinh hoạt của hàng nghìn binh sĩ cũng như hỗ trợ tác chiến.
Nhân viên làm việc trên sân bay của tàu Theodore Roosevelt mặc trang phục với màu sắc khác nhau để phân biệt nhiệm vụ của từng đội.
 
Nhân viên lái xe kéo mặc áo màu xanh dương.
 
Hai người đội trưởng vác theo dây xích cùng móc sắt để cố định máy bay trên boong tàu. Họ mặc áo nâu và nhận trách nhiệm chuẩn bị mọi công đoạn cần thiết trước khi một phi cơ cất cánh.
 
Điều phối viên tàu Roosevelt, mặc áo màu vàng, đang giám sát việc cất cánh của một tiêm kích thuộc lực lượng lính thủy đánh bộ.
Mỹ từ hồi tháng 8 năm ngoái đến nay tiến hành khoảng 6.800 đợt không kích nhằm vào quân khủng bố IS ở Iraq và Syria. Khoảng 20% trong số các cuộc tấn công này được thực hiện bởi những chiến đấu cơ xuất kích từ tàu Roosevelt.
 
Thành viên đội xử lý tai nạn và cứu hộ, mặc áo đỏ, đứng quan sát một chiếc máy bay chuẩn bị cất cánh từ tàu Theodore Roosevelt.
 
Thợ cơ khí máy bay, mặc áo màu xanh, đang bảo dưỡng bộ phận hạ cánh của một chiến đấu cơ bên trong nhà chứa máy bay trên tàu.
 
Hai nhân viên thảo luận tại khu canteen.
Bếp ăn trên tàu phục vụ trên 18.000 suất ăn một ngày. USS Theodore Roosevelt có thể dự trữ đủ lương thực để duy trì hoạt động trong 90 ngày. Nhà máy khử muối mỗi ngày sản xuất lượng nước đủ dùng cho 2.000 gia đình.
 
Lính hải quân Mỹ mặc đồng phục chỉnh tề để thực hiện một nghi lễ tưởng niệm.
 
Một người lính tranh thủ rèn luyện thể lực tại một góc nhỏ trên boong tàu.
 
Binh sĩ đọc một tạp chí về vũ khí trong giờ nghỉ.